Ploong Thiết và giấc mơ Pacô

Thursday, 11/11/2021
Nếu ai đó từng một lần được xem chàng trai ấy hát trên sân khấu, hẳn không thể quên cảm giác về một giọng hát đậm chất núi rừng, vừa ma mị, vừa quyến rũ, vừa đầy hoang dại với những ca khúc gắn với cao nguyên, những ca khúc đầy chất rock bốc lửa nhưng cũng đầy tha thiết, đắm say. Chàng trai ấy là đại úy Ploong Thiết, một ca sĩ trẻ của Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, người đã đoạt giải Nhì Sao Mai 2003 với ca khúc dân ca Pa Cô A Miêng ơi với những dấu ấn không thể quên trong lòng khán giả.

Ai đó từng nói rằng, mỗi con người sinh ra đều đã được ông trời định đoạt một số phận thì điều đó hẳn là đúng với chàng ca sĩ trẻ Ploong Thiết. Sinh ra ở một vùng quê nghèo miền núi A Lưới thuộc vùng phía Tây Trường Sơn, tỉnh Thừa Thiên Huế, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em người dân tộc Pa Cô, Ploong Thiết đã khiến cho rất nhiều người khâm phục bởi ý chí vượt qua những thương khó của hoàn cảnh gia đình để có thể vươn lên làm chủ cuộc sống của mình và đóng góp cho xã hội những điều có ích.

Kể về con đường đến với âm nhạc của mình, Ploong Thiết chậm rãi: Lúc tôi đang học phổ thông tại trường phổ thông dân tộc ở Thừa Thiên Huế, vì có một chút năng khiếu, được bạn bè động viên, thầy cô khuyến khích nên tôi mạnh dạn tham gia các phong trào và hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường cũng như của tỉnh. Đến năm 1998 tôi được đại diện cho trường tham gia cuộc thi văn hóa thể thao các trường dân tộc nội trú toàn quốc tổ chức ở Thanh Hóa, trong đó có thầy An Thuyên làm trưởng ban giám khảo. May mắn, trong cuộc thi đó tôi đã đoạt giải đặc biệt với bài hát Người con gái Pa Cô. Sau cuộc thi thầy An Thuyên gặp tôi và hỏi, có thích đi theo nghề ca hát chuyên nghiệp không vì Trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội lúc ấy đang chiêu sinh những người có khả năng ca hát về trường để học.

Với vốn tiếng Kinh ít ỏi, tôi bảo rất thích nhưng cũng không hy vọng nhiều vì nghĩ, mình bé tẹo teo, lại ở vùng núi xa xôi, chắc gì đã có cơ hội để thử sức mình. Điều đó khiến tôi sung sướng trong một thời gian dài, rồi tôi cũng quên đi để yên phận với công việc học hành còn đang dang dở. Một ngày nọ, khi tôi đang nghỉ hè và đang đi làm rẫy cùng bố mẹ thì người anh trai từ nhà chạy bộ cả mấy cây số hớt hải cầm cái giấy trúng tuyển Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Khi đó trường đang là hệ Cao đẳng). Tôi vẫn nhớ cảm giác của tôi như được bay lên trên mây, tôi nhảy chồm đến ôm lấy bố mẹ rồi hét to một tiếng như để cho cả núi rừng quê tôi thấu hiểu là tôi vui như thế nào. Nó như là một giấc mơ, bởi vì trong tâm tưởng tôi không bao giờ nghĩ mình có thể bước chân vào ngôi trường ấy dù mình yêu ca hát và luôn nỗ lực để có thể được mọi người ghi nhận.

Tháng 9 năm ấy, sau kỳ nghỉ hè, tôi khăn gói ra Hà Nội, mặc dù bố mẹ tôi, sau những suy tính thì không muốn tôi đi học, không phải vì không tin tưởng vào khả năng của tôi, không phải vì không muốn con mình có một tương lai tươi sáng, mà vì sợ một mình tôi không thể sống đơn độc ở thủ đô. Gia đình tôi quá nghèo, bố mẹ chăm chỉ đến mấy cũng chỉ đủ nuôi con qua bữa, lấy đâu ra tiền để cho tôi trang trải, dù biết trường Quân đội thì được Nhà nước chu cấp hoàn toàn. Cả nhà suy tính, cuối cùng tôi quyết định sẽ bán chiếc xe đạp bố mẹ đã dành dụm mua cho mình đi học trường nội trú. Chiếc xe gắn bó với tôi trong suốt nhiều năm trời, cùng tôi bon bon trên 60 cây số đường đèo dốc mỗi lần đến trường. Bán xe được 70 nghìn, tôi tay nải xách đúng 1 bộ quần áo ra bến xe mua vé hết 30 nghìn, một mình tự tìm đường ra Hà Nội.

Tôi vẫn nhớ cảm giác hoang mang vô cùng khi đứng chơ vơ ở bến xe Giáp Bát. Nỗi hoang mang, bất an khi một thằng bé nhà quê tóc xoăn, da đen nhẻm, nhỏ thó,  gầy gò, chỉ biết vài câu tiếng Kinh là tôi trước một biển người không biết đi đâu về đâu. May mắn tôi quen được một anh học Trường Đại học giao thông vận tải, người Huế, sau khi hỏi han biết nỗi lo lắng của tôi, anh bảo yên tâm anh sẽ đưa tôi đến tận trường chứ không phải sợ gì cả. Bây giờ nghĩ lại những buổi đầu tiên ấy, tôi vẫn nghĩ rằng, có lẽ mình ngốc nên ông trời thương, có lẽ mình đam mê nên số phận đã cho tôi được những điều may mắn.

Đối với Ploong Thiết, mỗi một ngày học ở Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội là một cố gắng vô cùng lớn. Sự cố gắng để thay đổi chính mình, bóc tách chính mình, lột xác chính mình. Với chất giọng khỏe khoắn, hoang sơ, núi rừng, ban đầu Ploong nghĩ gì hát nấy và gặp nhiều khó khăn về phát âm vì ngôn ngữ chính vẫn là tiếng Pa Cô. Ploong như chú nai rừng, chưa hiểu hết những gì thầy truyền đạt, nhưng Ploong chăm học và biết lắng nghe, tiếp thu những điều mà thầy giáo của mình - NSƯT Ngọc Khang dìu dắt từ trung cấp đến Đại học thanh nhạc. Cũng chỉ từ đó, Ploong mới biết cách nhả chữ, xử lý sắc thái buồn vui trong câu hát.

Cũng có thời điểm, những khó khăn chồng chất với nhiều sự va đập của đời sống đô thị, của mối quan hệ người và người mà một tâm hồn hoang sơ như Ploong nhiều khi tưởng không thể đương đầu nổi. Ploong vừa khóc vừa gọi điện thoại cho nhạc sĩ An Thuyên, người mà Ploong gọi bằng từ “Ba” đầy kính nể để nói, con muốn về với Pa Cô, con không thể hợp với nơi này. Đó là khi cái nghèo, cái khó đeo đẳng, có những người đã đồng cảm, sẻ chia nhưng cũng có những người coi thường, và đối xử với Ploong thiếu tôn trọng. Có những lúc túng quẫn đến nỗi, Ploong không có tiền để mua kem đánh răng, phải xin muối của nhà ăn để đánh răng. Giấu mãi nhưng lâu dần bạn bè cũng biết, họ đồng cảm, thương yêu và chia sẻ cùng Ploong những khó khăn. Nhạc sĩ An Thuyên cũng đã tạo điều kiện và động viên, khuyên bảo để Ploong ở lại, bởi không có khó khăn nào không thể vượt qua nếu con người ta có nghị lực và ý chí.

Sau năm thứ 4 thì Ploong mới có cảm giác hòa mình với cuộc sống thủ đô. Ploong bắt đầu đi hát tại các tụ điểm ca nhạc tại Hà Nội. Đi hát lúc thì được 50 nghìn, 70 nghìn nhưng Ploong bỗng thấy đam mê đến lạ kỳ. Có đêm Ploong hát 8-9 bài một lúc, những bài hát nổi tiếng da diết lòng người như Tiếng cồng quê tôi, Giấc mơ Chapi, Tiếng trống paranưng… Những bài hát về núi rừng nơi Ploong sinh ra và lớn lên đã như một lời ru đầy thương mến, ru tâm hồn Ploong đầy những khát khao cháy bỏng, đầy những ký ức, đầy nỗi hoài vọng về gia đình, mẹ cha, về núi rừng đại ngàn và đã chạm đến được tâm hồn khán giả.

Không lâu sau đó, Ploong Thiết đã bắt đầu được biết đến với những giải thưởng âm nhạc có uy tín: Huy chương Vàng bài Đi tìm bóng núi của nhạc sĩ An Thuyên (năm 2000) cuộc thi Giai điệu quê hương và người chiến sĩ. Năm 2002 được Huy chương bạc Hội diễn ca múa nhạc toàn quân, bài Dân ca Ê đê Cao nguyên ơi!, giải 3 tiếng hát Truyền hình Hà Nội bài Hơzen lên rẫy và Xôn xang mênh mang cao nguyên Đắk Lắk (Nguyễn Cường). Năm 2003 Ploong đươc giải nhì Sao Mai (cùng thời với Hoàng Tùng, Ngọc Khuê, Khánh Linh) bài hát dân ca Pa Cô A Miêng ơi. Năm 2004, giải đặc biệt các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc tổ chức do Bộ Văn hóa Thông tin truyền thông tổ chức tại Huế bài Tiếng cồng quê tôi... Khán giả đã bắt đầu biết đến chàng trai người dân tộc Pa Cô luôn cháy hết mình trên sân khấu, luôn hóa thân vào những khúc hát của đại ngàn với những âm hưởng hùng ca vang vọng.

Năm 2005 Ploong được phân công về Nhà hát Quân đội và từ đó đến nay anh đã mang tiếng hát của mình phục vụ cho nhiều vùng đất, từ địa đầu Tổ quốc đến Trường Sa, Côn Đảo, nơi có những người lính đang ngày đêm nắm chắc tay súng để bảo vệ biên cương và sự bình yên cho những tấc đất tấc làng. Những chuyến đi đã mang đến cho Ploong nhiều cảm hứng sống để giọng hát của anh hay hơn, có ý nghĩa hơn. Đến những vùng đất khó khăn, Ploong lại thương nhớ làng quê Pa Cô của mình, đó là một bản Moray của Kon Tum, không đi được ô tô bình thường, cả đoàn đi bằng xe chở gỗ, không nhìn thấy bản làng, chỉ có bụi mù như mây che phủ. Có lần đi hát phục vụ quân khu 5, mọi người hát không sao, Ploong hát bài Ta yêu nhau từ Buôn Mê Thuột đang hát câu “Có cái nắng, có cái gió…” thì bỗng đâu gió ùn ùn kéo đến làm sập sân khấu, Ploong kịp nhảy xuống không thì đã bị cả tảng sắt đập vào người. Kỷ niệm ấy, nhớ lại, Ploong vẫn thấy run run.

Đi nhiều nơi, nhưng chuyến đi ý nghĩa nhất đối với Ploong là 25 ngày ở Trường Sa, mặc dù mệt, say sóng nhưng đó là chuyến đi đầy háo hức, không có nhạc, không có mic, Ploong tự tay đánh ghi ta và hát hết mình. Nhớ nhất là hôm vào đảo Song Tử Tây, vì có sóng to gió cả, các thanh niên phải đẩy xuồng từ đảo xuống tàu đang neo, Ploong bị san hô cứa đứt chân, vết thương sâu, Ploong vừa đi cà nhắc vừa hát.

Ploong Thiết kể về những kỷ niệm say sưa như thể được sống lại một ký ức không thể nào nguôi quên trong lòng người chiến sĩ trẻ. Ploong bảo rằng trong năm nay anh khi đã tiết kiệm đủ một số tiền nhất định, Ploong sẽ ra mắt một đĩa CD để kỷ niệm về những năm tháng ca hát của mình, một đĩa gồm những ca khúc về Tây Nguyên như một đốm lửa rừng giữa lòng Hà Nội. Ploong bảo, dù cuộc sống của người chiến sĩ, đại úy Ploong còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Ploong và người vợ trẻ, một cử nhân Đại học Văn hóa và hai cậu con trai vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được sống với những khát vọng của mình. Ploong cảm ơn người vợ trẻ đã chấp nhận anh, một người con dân tộc Pa Cô chỉ có hai bàn tay trắng, để luôn động viên, cảm thông và khuyến khích Ploong trên con đường đi tìm kiếm chính mình, để được dâng đời những lời ca khát cháy…

 

Kim Trần