Ploong Thiết vẫn nồng nàn, cháy bỏng

Saturday, 13/11/2021

Mặc những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, làn da đen rắn rỏi, những động tác nhảy bốc lửa... mỗi lần NSƯT Ploong Thiết bước lên sân khấu là người xem như được trở về với sự phóng khoáng, đam mê và hơi thở của đại ngàn hùng vĩ, vừa ma mị, hoang dã nhưng vẫn quyến rũ đến lạ...

Được đại ngàn Trường Sơn ban cho giọng hát khỏe, phóng khoáng, từng được khá nhiều giải thưởng về âm nhạc nhưng người chiến sĩ-nghệ sĩ này vẫn luôn thấy còn phải nỗ lực thật nhiều trên con đường sự nghiệp phía trước. Anh là Thiếu tá, NSƯT Hồ Văn Thiết (Ploong Thiết), diễn viên hát, Đoàn Ca múa nhạc dân tộc, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội. Đam mê cháy bỏng, cống hiến hết mình cho âm nhạc và lần lượt cho ra đời những “đứa con” tinh thần như: CD Vol 1 “Khởi nguồn”, CD Vol 2 “Tình Bolero”, CD Vol 3 “Mẹ và mùa xuân”... Những CD của anh luôn được công chúng mong đợi và đón nhận.

NSƯT Ploong Thiết biểu diễn trên boong tàu phục vụ bộ đội trong lần ra Trường Sa năm 2015.

Đầu năm 2018, Ploong Thiết “sinh hạ” đứa con thứ ba trên con đường nghệ thuật của mình. Trong CD Vol 3 “Mẹ và mùa xuân” là sự tuyển chọn những ca khúc anh yêu thích và những ca khúc đưa anh đến thành công trong nhiều năm ca hát. Đây cũng là món quà dâng lên những người mẹ, hòa ca cùng hơi thở của mùa xuân. Đây là CD được nhiều đồng nghiệp đánh giá cao về nghệ thuật, tỉ mỉ ở tất cả các khâu dàn dựng, hấp dẫn công chúng với những ca khúc như: “Hương thầm” (nhạc: Vũ Hoàng, thơ: Phan Thị Thanh Nhàn) song ca cùng NSƯT Hồng Hạnh, “Câu chuyện nhỏ của tôi” (Thanh Tùng) song ca cùng NSƯT Thu Thủy, “Bài ca Tết cho em” (Quốc Dũng)...

Ploong Thiết luôn nhận thấy trọng trách người chiến sĩ-nghệ sĩ là rất nặng nề, chính vì thế, anh không ngừng nỗ lực cố gắng, liên tục làm mới chính mình trong sự tìm tòi nghệ thuật, phong cách biểu diễn. Trên hành trình biểu diễn phục vụ bộ đội nơi biên giới hay hải đảo, ở đâu có anh thì ở đó có sự xuất hiện của khán giả say mê âm nhạc. Nhiều ca khúc do anh thể hiện đã làm nên “thương hiệu” Ploong Thiết đứng vững trong lòng công chúng. Nhiều ca khúc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, về đề tài Bộ đội Cụ Hồ cũng được anh trau chuốt, sáng tạo làm mới, đã tôn lên được vẻ tôn kính, sự nồng nàn hay cháy bỏng bằng cái “chất Ploong Thiết”...

Công chúng yêu nhạc công tâm khi cho rằng CD Vol 1 “Khởi nguồn” của anh là một món quà đặc biệt với công chúng yêu âm nhạc mà chàng trai Pa Cô này thể hiện tấm lòng tri ân với vùng đất và con người trên dãy Trường Sơn và núi rừng Tây Nguyên. CD này có 11 ca khúc đã chinh phục công chúng bởi giọng hát khỏe, đậm đà hương vị của đại ngàn và làm nên sự nghiệp ca hát của Ploong Thiết, như: “Chuyện tình thảo nguyên” (Trần Tiến), “Đôi chân trần” (Y Phôn Ksor), “Con trâu” (Đàm Thanh), “Tiếng cồng quê tôi” (Lê Quang Viêng)... Trong “Khởi nguồn”, các tác phẩm phần lớn đều viết về vùng đất và con người của đồng bào miền núi nơi anh từng sinh sống và mảnh đất Tây Nguyên. Ý tưởng đó là món quà dâng tặng vùng đất và con người nơi anh khởi nguồn ca hát.

Ploong Thiết sinh ra trong một gia đình có 6 anh em ở vùng đất cách mạng huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên anh trở thành trụ cột của gia đình, không chỉ lo lắng cho tổ ấm nhỏ của mình, Ploong Thiết còn thường xuyên lo lắng cho bố mẹ. Niềm vui đặc biệt của chàng nghệ sĩ dân tộc thiểu số này là trong dịp hè vừa qua, anh được thăng quân hàm trước niên hạn. Và chính tháng lương đầu tiên với quân hàm thiếu tá ấy, anh đã dành trọn gửi về biếu bố mẹ, giúp bố mẹ anh đạt ước nguyện thực hiện chuyến du lịch vào TP Hồ Chí Minh, vừa được thăm lại chiến trường xưa, vừa thăm căn cứ Địa đạo Củ Chi, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập...

Ploong Thiết bên tổ ấm của mình. Ảnh: Nguyễn Văn

Là diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, anh chưa bao giờ cho phép mình ngơi nghỉ, ngoài lịch biểu diễn, phải đi khắp các quân khu, quân binh chủng, đến tận biên cương hải đảo, các đồn biên phòng, Trường Sa, nhà giàn DK1... Những chuyến đi ấy, dù mệt mỏi hay ốm đau, Ploong Thiết cũng phải hát kỳ được để tặng bộ đội. Trò chuyện với chúng tôi, những kỷ niệm thân thương về những lần đi công tác lại ùa về. Nhớ lại những lần ra phục vụ bộ đội Trường Sa, NSƯT Ploong Thiết bùi ngùi xúc động: “Tôi muốn được ra Trường Sa để phục vụ bộ đội nhiều hơn. Hát ở đó thú vị lắm! Có lần đoàn công tác gặp sóng to gió lớn, tàu không thể cập nhà giàn. Lúc ấy đoàn công tác dừng tàu và hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn qua bộ đàm, tôi đã xin được hát qua bộ đàm để tặng bộ đội. Đan xen những ca khúc là những lời hỏi thăm, động viên nhau, tôi nhận thấy trên tàu có một số cán bộ, chiến sĩ người miền Nam, tôi liền hát tặng cán bộ, chiến sĩ 4 câu cải lương trong tác phẩm “Tình anh bán chiếu”. Khi tôi cất tiếng hát, cả boong tàu im bặt, vừa hát, dòng nước mắt của tôi cứ thế tuôn rơi, rồi tất cả mọi người cũng đều nghẹn ngào”. “Thương lắm anh ạ, anh em trong đoàn phải mất nhiều ngày liền vất vả trên biển, chỉ mong được lên nhà giàn, được dang vòng tay ôm, được bắt tay đồng đội mình, mong được hát tặng những ca khúc đồng đội mình yêu thích. Vậy mà không thể...”-Á quân Sao Mai 2003 chia sẻ.

Trong cuộc sống đời thường cũng như hoạt động nghệ thuật, anh luôn giản dị và chân chất, nặng tình với gia đình, thầy cô, đồng đội và đồng nghiệp. Với anh, “Ba Thuyên” (cố nhạc sĩ An Thuyên-PV) người đã hết lòng dẫn dắt anh đến với con đường nghệ thuật và tạo cơ hội cho anh được mặc áo lính. Hôm nay anh tiếp tục được sự đồng hành yêu mến của đồng đội, đồng nghiệp và công chúng. Anh luôn cho rằng: “Công chúng và đồng đội đã yêu thương Ploong Thiết thật nhiều...”. Chắc chắn vì thế mà khi anh đến với đồng đội, với công chúng là sẵn sàng hát cả ngày cả đêm, hát với niềm say mê, cháy bỏng hết mình để cống hiến và trả nợ nghĩa tình với mỗi người. Ploong Thiết là vậy.

 

VĂN HẠNH